Kienviet.net - Chúng ta nghe KTS lừng danh người Nhật Bản chia sẻ về công trình ga Shibuya cũng như những quan điểm của ông về kiến trúc. Hãy theo dõi đoạn trích bài phỏng vấn TADAO ANDO của Architects Directory về ga Shibuya Tokyo qua bài dịch của KTS Trần Bá Thảo – đến từ MmA Architecture.
AD: Ý tưởng chính của ông khi thiết kế ga Shibuya là gì?
TA: Ý tưởng chính cho Tokyu-Toyoko Shibuya Station là một con tàu không gian (một tàu không gian trong lòng đất). Trạm tàu điện ngầm nằm sâu 30m dưới lòng đất này bao gồm một atrium thông tầng trung tâm nằm trong một khối hình trứng, mục tiêu của tôi là tạo ra một không gian có tính định hướng cho kiến trúc, thêm vào đó chúng tôi cũng muốn giảm bớt sự phụ thuộc của nhà ga vào hệ thống điều hòa không khí bằng cách để không khí tự nhiên từ ngoài thổi vào không gian dưới hầm tạo ra một hệ thống thông gió tự nhiên để tiết kiệm năng lượng.
Vị trí ga Shibuya
Mặt cắt ga
AD: Những thử thách và lợi ích của việc thiết kế một ga trung tâm mà nó hầu như nằm trong lòng đất?
TA: Ga Shibuya là một giao điểm giao thông quan trọng bậc nhất Tokyo nơi giao nhau của hàng loạt line tàu điện ngầm, quy mô trạm tàu điện ngầm này phục vụ khoảng 400.000 người mỗi ngày, một con số cực lớn. Do đó sự quan tâm lớn nhất là tạo ra sự hợp lý trong di chuyển của các luồng giao thông.
Hệ thống ga tàu điện ngầm hiện hữu của Tokyo rất phức tạp và rối rắm, tạo cho ta cảm giác mất phương hướng, rất khó cho việc tìm đường, phải thừa nhận rằng rất khó để nhận ra mình đang ở đâu nếu so với việc bạn tìm đường trên mặt đất. Để giúp hành khách định hướng khi ở dưới lòng đất và cho họ cảm giác về không gian cũng như cải thiện các chức năng của một nhà ga chúng tôi đã tạo ra một không gian thông tầng 15m từ sảnh tập trung ở tầng hầm 2 tới sân ga tầng hầm 5 và gói tất cả lại trong một khối hình trứng.
Không gian thông tầng trung tâm của Ando
Không gian thông tầng trung tâm cũng được sử dụng như một thành phần quan trọng của hệ thống thông gió tự nhiên, có khả năng thổi khí tự nhiên vào sâu tận 30m dưới lòng đất điều đó sẻ làm giảm việc sử dụng hệ thống điều hòa cơ học.
Một số hình ảnh ga Shibuya đã hoàn thành
AD: Phương cách làm việc yêu thích của ông là gì? Ông tạo ra các không gian thông qua các công cụ như mô hình, vẽ tay hay máy tính hay một phương thức đặc biệt nào khác?
TA : Khi thiết kế tôi dùng rất nhiều phương pháp và công cụ khác nhau để phát triển một đồ án như là vẽ tay, máy tính hay mô hình, tôi sẽ chọn một kỹ thuật phù hợp nhất cho mỗi giai đoạn thiết kế nhưng có một điều chắc chắn là tôi sẽ bắt đầu với các bảng vẽ phác thảo tay.
Các phác thảo tay và study models cho bảo tàng hàng hải –Abu Dhabi
AD : Ông chọn nhận các dự án như thế nào? Cái gì là ưu tiên hang đầu?
TA : Tôi sẽ nhận bất cứ dự án nào mà tôi thấy được mối tương đồng chung giữa tôi và khách hàng về chia sẽ các tầm nhìn và quan điểm cho dự án trong những mục tiêu giới hạn mà tôi có thể sáng tạo thông qua kiến trúc. Trong trường hợp của ga Shibuya, khách hàng là tập đoàn Tokyu và tôi có cùng chung một mong muốn là tạo ra một nhà ga có sức hấp dẫn tồn tại song hành cùng thời gian.
AD : Dự án lý tưởng nhất cho ông là sẽ như thế nào ?
TA : Những dự án tốt nhất luôn là một kết quả của những sự thương thảo kịch liệt của những ý tưởng đôi khi tương phản với nhau của các kiến trúc sư, nhà thầu và khách hàng nhằm có một sự nhìn nhận rõ ràng cái mà chúng ta muốn xây nên.
AD : Ông thích công việc giảng dạy hay là thực hành kiến trúc?
TA : Tôi nghĩ kiến trúc là công việc tạo ra một cái gì đó hơn là giảng dạy. Những sinh viên kiến trúc chỉ nên tiêu hóa những khái niệm căn bản về thiết kế và từ đó xây dựng những quan điểm thiết kế của riêng họ.
AD : Dự án nào là có ý nghĩa nhất với ông, đã được xây hay chưa xây? Ông đã bắt đầu như thế nào ?
TA : Sự nghiệp kiến trúc của tôi hiện nay là thành quả của vô số kết quả với những con người mà tôi gặp gỡ và tiếp xúc với những trải nghiệm mà tôi đã đi qua trong toàn bộ sự nghiệp. Mỗi một dự án đều là một điều quý giá đối với bản thân tôi nên tôi không thể nói dự án nào là quan trọng nhất được.
AD: Văn phòng ông có bao nhiêu người khi ông bắt đầu và hiện nay có bao nhiêu người ?
TA : Tôi bắt đầu với chỉ 5 nhân viên và hiện tại là khoảng 30 người và tôi không có ý định mở rộng văn phòng lớn hơn quy mô này .
AD : Ông nghĩ đặc tính nào là qua trọng cần có cho một kiến trúc sư?
TA : Kiến trúc có một trách nhiệm xã hội và tính chất cộng đồng rất mạnh. Do đó kiến trúc sư thông qua các tác phẩm của mình phải luôn quan tâm tới xã hội và cộng đồng. Người kiến trúc sư phải có khả năng nhận ra những vấn đề của xã hội và dùng kiến trúc như một cách thức và công cụ để “đối thoại” với nó.
AD : Nếu cho ông có thể thay đổi một cái gì đó trong các tác phẩm của ông? Có điều gì mà ông muốn thay đổi không ?
TA : Không có điều gì mà tôi muốn thay đổi trong các tác phẩm trước đây của tôi.
AD : Ông có lời khuyên gì cho các kiến trúc sư thế hệ hiện nay không ?
TA : Nói chung thế hệ hiện nay có thể gọi là “ thế hệ máy tính” hầu hết họ thiếu đi niềm đam mê. Muốn trở thành bậc thầy trong các lãnh vực nghệ thuật bao gồm cả kiến trúc cần phải có một nỗ lực vượt bậc. Tuy nhiên ngày nay giới trẻ không có tinh thần đấu tranh cho một điều gì nó với một cảm xúc thật sự. Vì vậy tôi luôn mong họ làm hết sức mình với tất cả nỗ lực để đạt được điều mà họ muốn. Tôi tin rằng trong quá trình nỗ lực để vươn tới đó họ sẽ tìm thấy “ ánh sáng” thật sự mà nó sẽ dẫn đường cho họ trong suốt cuộc đời còn lại.
Trích bài phỏng vấn TADAO ANDO của Architects Directory về ga Shibuya Tokyo.
KTS Trần Bá Thảo – MmA Architecture.
Post a Comment