BREAKING NEWS

KIẾN TRÚC

KIẾN TRÚC

KIẾN TRÚC

Nhà thiết kế cảnh quan Andy Cao: Tôi tìm ý tưởng trong ký ức về Việt Nam


Nhà thiết kế cảnh quan Andy Cao: Tôi tìm ý tưởng trong ký ức về Việt Nam 
 0



Kiến trúc sư và nghệ sĩ cảnh quan Andy Cao, tên Việt là Cao Thanh Sơn, được coi là một trong những nhà thiết kế hàng đầu hiện nay trên thế giới. Điều thú vị là những ý tưởng của anh được ấp ủ từ những ký ức về quê hương Việt Nam, đất nước mà anh chia tay khi mới 13 tuổi.

Các tác phẩm của Andy Cao tạo ra những tổng thể môi trường khiến cho người xem chìm đắm trong không gian mà người nghệ sĩ tạo ra. Xây dựng ý tưởng trên một trải nghiệm văn hóa đa dạng, Andy Cao hòa trộn nghệ thuật với phong cảnh để tạo nên một chốn cho những giấc mơ.
Andy Cao và đối tác Xavier Perrot
Andy Cao thường sử dụng những vật liệu quá đỗi bình thường trong cuộc sống mà chúng ta thường không chú ý tới như dây thừng, dây cước, chiếu, vụn thủy tinh, dây kẽm, v.v… để tạo những không gian đa nghĩa và mời gọi người xem vào một thế giới của màu sắc và xúc cảm để tĩnh tâm và mơ mông. Khai phá sự “không hoàn hảo” cố hữu của những vật liệu hằng ngày, Andy Cao tạo cho các phẩm của mình tính tự sinh, gần gũi cũng như cảm giác về sự tạo chế bằng tay của những người nghệ sĩ.
Các tác phẩm của anh vô cùng đa dạng về thể loại và quy mô từ những sắp đặt ngắn hạn trong một triển lãm như ở Lễ hội vườn quốc tế Chaumont-sur-Loire (Pháp) (Hình 2), hay tồn tại 50 năm như Cây Dương Liễu trong Công viên Trung tâm ở thành phố Grand Prairie (Texas, Hoa Kỳ) (Hình 3), có quy mô nhỏ như công viên Pillow Field (Hình 4) rộng 1500 m2 tại một khu dân cư đa sắc tộc gần thành phố Seatle (Hoa Kỳ), hay quy mô lớn như Công viên Trung tâm Guaming (Hình 7) ở Thâm Quyến (Trung Quốc) rộng tới 240 hecta.

Nhân chuyến về thăm Việt Nam và gặp gỡ với các đồng nghiệp trong nước, chúng tôi đã hỏi chuyện anh.
Anh khởi nghiệp như thế nào?

Andy Cao: Sau khi tốt nghiệp đại học ngành kiến trúc cảnh quan từ trường Bách khoa California tại Pomona, tôi không thể tìm được công việc phù hợp và do đó tôi quyết định bắt đầu trên chính cái vườn sau nhà. Đầu tiên, tôi làm hai lần rồi lại bỏ vì thấy kết quả không có ý nghĩa gì, chỉ là sự bắt chước những gì đã được dạy ở trường. Suy nghĩ một hồi về những gì mà mình đã trải nghiệm, những ký ức về Việt Nam lúc còn thơ ấu hay là những nơi mà mình muốn xem nhưng mà mình chưa thấy, mình muốn đem trở lại những hình ảnh đó cộng với những tưởng tượng của chính mình. Tôi tìm thấy kiếng vụn với giá rẻ như một vật liệu mới có khả năng phản chiếu ánh sang. Sau hai năm rưỡi để làm sạch, mài tròn và sắp đặt 45 tấn kiếng tái chế thành một cái vườn đầu tiên, lần đầu tiên tôi đã tìm thấy chính mình, thấy tiếng nói riêng của mình trong ngành cảnh quan. Cái vườn kiếng đầu tiên đó (Hình 1) ngay lập tức được giới thiệu trên hơn 100 các tạp chí, báo và kênh truyền hình và giúp tôi khởi nghiệp.
hinh1-1.jpg
Hình 1: Vườn Kiếng (Glass Garden) sử dụng 45 tấn kiếng (thủy tinh) và mất hai năm rưỡi để hoàn thành là tác phẩm khởi nghiệp của Andy Cao được làm ngay trên mảnh vườn riêng của tác giả.
Vậy là anh đã chọn kiếng làm ngôn ngữ thể hiện ?

Andy Cao: Chỉ giai đoạn đầu thôi. Sau khi cái vườn của mình được đăng lên báo, người ta gọi mình là « Ông làm kiếng » (the Glass Guy). Lúc đấy mới bắt đầu lo. Mình mới nghĩ thiết kế của mình không phải là về kiếng. Kiếng chỉ là kiếng thôi. Nhưng mà về cái cách nhìn của mình và cách làm để nó hòa hợp với khung cảnh. Mình nghĩ là kiếng có tâm hồn. Kiếng, cũng như tất cả những vật liệu khác trong đời thường, đều có thể tạo ra một cái ấn tượng mới, cảm ứng mới. Các vật liệu mà mình dùng lúc đầu cũng chỉ là chỉ là đồ bỏ, thế mà khi làm xong người ta không thấy cái méo mó của nó mà chỉ thấy một cảm tưởng. Những cái gì không hoàn hảo trong thiên nhiên đều có cái đẹp riêng của nó. Sau kiếng mình vẫn tiếp tục đi tìm những vật liệu mới từ đời sống hàng ngày : manh chiếu, dây cước, vỏ ốc, dây kẽm gai,v.v…
hinh2-2.jpg
Hình 2: Desert Sea (Biển Sa mạc) là một sắp đặt trong Lễ hội vườn Quốc tế tại Chaumont-sur-Loire, Pháp.
Điều gì đã giúp thắp lên những ý tưởng của anh?
Andy Cao: Vườn kiếng được truyền cảm hứng từ những ký ức tuổi thơ của mình ở Việt Nam, nơi mà mọi thứ đều được tái chế, tái sử dụng. Đó ký ức về những đám rơm vàng được phơi trên đường quốc lộ số 1 gần Hóc Môn nơi gia đình sống sau chiến tranh, là những ruộng muối ở miền Trung nơi tôi lớn lên hay những cây xả tạo nên hương vị trong đồ ăn ở xứ mình. Bên cạnh đó, ý tưởng của mình có được còn là cảm hứng của thời khắc. Với dự án Cloud II (Mây số 2) ở Malibu (California) (Hình 6), tôi đã chú ý tới vẻ đẹp của đảo Catalina nằm giữa biển khơi và được tô điểm bởi những đám mây. Tôi nói với khách hàng: “Tại sao ta lại không lấy những đám mây đó và mang vào mảnh sân của quý vị để tạo bóng mát?”. Và chúng tôi treo thêm những lọ cây và hàng ngàn hạt thủy tinh dưới đám mây lùng bùng bằng dây kẽm gai đó.
hinh3.jpg
Hình 3: Cây Dương Liễu (Willow Tree) được xây dựng tại Công viên Trung tâm mới của thành phố Grand Prairie (bang Texas, Hoa Kỳ) sử dụng 80.000 chiếc lá làm từ vỏ ốc.
Những gì anh đã và đang làm dường như là sự hòa trộn giữa nghệ thuật và kiến trúc cảnh quan. Bản thân anh tự định nghĩa công việc của mình như thế nào?
Andy Cao: Câu hỏi này suốt mười năm nay rất nhiều người hỏi : Anh thuộc về nhóm nào? Việc làm của anh có ý nghĩa gì? Cho nên chúng tôi suy nghĩ một thời gian rồi rút ra rằng mình không thuộc về một nhóm nào cả. Những gì chúng tôi làm chỉ là một cái nhìn nhận của chính bản thân mình thôi. Vì mình không đi hẳn về nghệ thuật, nên không ai phê bình công việc của mình cả, mà về ngành thiết kế cảnh quan, thì mình cũng không thuộc nhóm đó luôn. Thành ra, mình tự lập một con đường mình đi. Trong mỗi một dự án, mình cứ tiếp tục, biến chuyển, làm theo ý nghĩ của mình. Cho nên, bây giờ, mình bắt đầu phải lập nên một “danh từ” riêng cho mình.
hinh4.jpg
Hình 4: Đồng Gối (Pillow Field) là một công viên/tác phẩm nghệ thuật công cộng đặt trong khuôn viên một dự án nhà ở xã hội tại thành phố White Center (bang Washington, Hoa Kỳ).
« Danh từ » gì vậy ?
Andy Cao: Người ta hỏi: “công việc của anh làm như vậy thì gọi là gì?” – thì mới suy nghĩ đến là incidental placemaking (tạo hồn cho nơi chốn một cách ngẫu hứng – PV). Bởi cách suy nghĩ của mình thì giống như người nghệ sĩ ngẫu hứng nhưng mà phương tiện của mình thì lại dùng cảnh quan hoà để hòa lẫn với nhau thành một môi trường. Mình xem cách làm của mỗi một ngành như thiết kế thời trang chẳng hạn. Mình không quan tâm tới kiểu dáng mà quan tâm tới cách người ta làm, cách người ta suy nghĩ. Tại sao cái áo có thể có cái túi hoặc cái tay áo được dời ra phía sau mà không ai thắc mắc cả. Thế nhưng khi làm một môi trường bên ngoài, thì ta có thể thắc mắc: tại sao phải để ghế, tại sao phải trồng cây? Tại sao sa mạc chẳng có gì mà mọi người vẫn muốn đến sa mạc?… Tôi hỏi những câu hỏi đó, đôi khi không có câu trả lời, nhưng hỏi để tìm cho mình một lối đi.
hinh5-1.jpg
hinh5-2.jpg
Hình 5: Vườn Ru (Lullaby Garden) được thực hiện trong khuôn khổ Lễ hội Vườn "Những hòn đá tảng" cùng với 11 tác phẩm khác của những nhà thiết kế hàng đầu thế giới. 60 nghệ nhân ở một làng ngoại thành Sài Gòn đã tham gia đan 200 tấm chiếu để trải lên một mảnh vườn rộng gần 200 m2. Dây cước được chăng làm hàng rào khi ẩn khi hiện trong ánh nắng. Lời hát ru của ca sĩ Hương Thanh được phát trong vườn tạo âm hưởng của làng quê Việt Nam.
Anh có lo là công chúng không hiểu được những tác phẩm mình làm?
Andy Cao: Không lo. Nhiều khi mọi người nói tác phẩm của anh không có logic, không có ý nghĩa. Làm sao mà có ý nghĩa được bởi cái nghĩa đối với mình khác còn đối với người vào xem lại khác. Ý nghĩa đối với mình là khi mình làm, khi mình hợp tác với các anh tôi nghệ sĩ hay trong dự án Lullaby Garden là khi cùng những nghệ nhân đan chiếu ở một ngôi làng gần Sài Gòn hay cùng anh Nguyên Lê thu tiếng hát ru con của chị Hương Thanh (Hình 5). Còn cảm xúc và ấn tượng của người khách tham quan mình không thể kiểm soát. Khi những người Việt ở Los Angeles đến thăm vườn đầu tiên của tôi, Vườn Kiếng, họ băn khoăn: thế này mà bảo là vườn Việt Nam ư? Nhưng rồi ngồi trong không gian đó một hồi có người thốt lên: sao bỗng dưng tôi thấy nhớ Việt Nam thế!
hinh6.jpg
Hình 6: Mây số 2 (Cloud II) là một thử nghiệm mới của Andy Cao về vườn trong... không khí.
Khoảnh khắc anh nhận ra là mình thành công là vào lúc nào ?
Andy Cao : Mình chưa bao giờ nghĩ là mình thành công. Nếu nhìn về khía cạnh tìm ra con đường riêng, thì vào năm cuối ở Đại học Harvard, mình đã hoàn toàn tự do để theo đuổi con đường của mình. Ở Harvard, mình được găp bao nhiêu nhà thiết kế hàng đầu thế giới và tiếp cận rất nhiều nguồn thông tin khác nhau. Tiếp cận rồi, gặp gỡ rồi để quyết định rằng mình phải đi con đường riêng của mình bởi nếu mình bắt chước lại những người đó thì mình sẽ không bao giờ làm được như họ đã làm.
hinh7-1.jpg
hinh7-2.jpg
Hình 7: Thiết kế cảnh quan công viên Guaming tại thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc). Ý tưởng của Andy Cao được lựa chọn sau một cuộc thi quốc tế.
Đối với các nghệ sĩ Việt Nam, anh sẽ khuyên gì với họ về thiết kế?

Andy Cao: Tôi không muốn coi đây là lời khuyên mà tôi muốn khích lệ các nhà thiết kế trẻ ở Vietnam hãy chậm lại và giành thời gian để quan sát cuộc sống hằng ngày của họ. Thường thì tất cả những gì mà các bạn cần đang chờ đợi để được khám phá và tái chế. Và trên hết, hãy giữ gìn và trở nên tự hào với di sản văn hóa của chúng ta, tin vào trực giác và cảm nhận của chính mình. Sáng tạo, đừng bắt chước!
Cảm ơn anh và chúc anh sớm có được những tác phẩm đầu tiên trên quê hương mình!
hinh9.jpg
Hình 8: Đèn Lồng Đỏ (Red Lantern) là tên một thiết kế mới hoàn thiện của Andy Cao tại Sonoma (California, Hoa Kỳ) nhằm tưởng nhớ những người di dân Trung Quốc đã giúp xây dựng mạng đường sắt ở vùng San Francisco.
(Đọc tạp chí Quy hoạch đô thị số 6, tháng 9/2011 để xem giới thiệu chi tiết các tác phẩm của Andy Cao)
                                                                       Theo dungdothi.wordpress.com

Post a Comment

 
Copyright © 2013 KIẾN TRÚC
Powered byBlogger